Tích Nhị Thập Tứ Hiếu là hai mươi bốn câu chuyện về các nhân vật lịch sử được Nho học xem là tấm gương đức độ về cách đối đãi với cha mẹ, đấng sinh thành và đấng nuôi dưỡng. Lấy Hiếu làm gốc để đạt chữ Nhân, có được chữ Nhân ắt đạt được chữ Phúc – là hạnh phúc, phúc đức ở đời.
Đông Á Danh Hoạ xin được tổng hợp các câu chuyện, nhân vật theo hướng lịch sử, đồng thời trích dẫn thơ của danh thần nổi tiếng triều Nguyễn, ông Lý Văn Phức (1785-1849).
Nhân vật thứ ba trong bộ truyện là Tăng Sâm (曾参): mẹ cắn ngón tay, tim con đau xót
Tổng quan
Tăng Sâm (505-435 trước Công Nguyên) hiệu là Tử Dư, còn gọi là Tăng Tử.
Ông là một trong Tứ Phối, bốn vị triết gia quan trọng nhất sau Khổng Tử đã kiến tạo và phát triển Nho Giáo. Ba người còn lại là Nhan Hồi, Tử Tư, và Mạnh Tử. Nhan Hồi là học trò tâm đắc nhất của Khổng Tử nhưng mất sớm. Tử Tư, tức Khổng Cấp, là cháu nội Khổng Tử và học trò của Tăng Tử. Mạnh Tử là học trò của Khổng Cấp.
Tứ Phối hiện được thờ phụng cùng đức Khổng Tử tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam.
Tăng Tử được đánh giá là người đã bảo tồn tinh tuý trong học thuyết của Khổng Tử. Các sách Tăng Tử tham gia biên soạn có “Luận ngữ“, “Hiếu Kinh” và “Đại Học“, nằm trong Thập Tam Kinh của Nho Giáo.
Đồng môn Đoan Mộc Tứ nhận xét về ông như sau: “Không có môn học nào mà anh không học. Vẻ ngoài đoan trang. Đức tính vững vàng. Lời nói uy tín.”
Tiểu Sử
Tăng Sâm là người nước Lỗ, cùng quê với Khổng Tử. Gia đình thuộc dòng dõi nhà Hạ cổ xưa. Cha ông là Tăng Điểm, một trong những học trò đầu tiên của Khổng Tử. Từ nhỏ, ông được cha dạy dỗ và sớm biết đến đạo lý Nho gia. Ông rất ham học hỏi, còn nghiên cứu thêm nhiều sách vở, văn thơ.
Gia đình nghèo, thuở nhỏ Tăng Sâm đã tự làm ruộng nuôi thân. Bữa đói bữa no mà vẫn ca hát vang trời. Năm 16 tuổi ông chính thức theo học Khổng Tử. Tương truyền, Tăng Tử không thông minh mẫn tuệ nhất nhưng “hiểu biết cặn kẽ, chắc chắn và lĩnh hội sâu sắc đạo lý xuyên suốt của học thuyết Khổng tử.” (2017, Văn Miếu Quốc Tử Giám)
Tăng Tử nhỏ hơn thầy 46 tuổi. Khi đức Khổng Tử mất, ông mới 27 tuổi. Từ đó, ông tự mình tu dưỡng học vấn, sống và trau dồi theo tư tưởng Khổng Tử. Ông nổi tiếng với câu nói:
“Mỗi ngày ta tự xét ta ba điều: Nhận việc, ta có làm hết lòng không? Giao ước, ta có để thất tín không? Thầy dạy, ta có học hành chuyên tâm không?”
Đây là phương pháp rèn luyện tâm trí được các nhà tâm lý học phương Tây gọi là “Introspection“. Phương pháp này giúp con người tự nhìn nhận, tự tìm hiểu và khám phá “cái tôi” bản thân – trên cơ sở đối chiếu với thực tế khách quan. Từ điểm hiểu mình, mới đi tiếp đến điểm làm chủ mình, mới rèn luyện tu thân cho được.
Quan điểm về hiếu đạo, ông tóm tắt thành ba điều: “Đại hiếu là tôn kính cha mẹ. Thứ đến là không gây tai tiếng cho cha mẹ. Sau cùng là chăm sóc cha mẹ khi về già.”
Tăng Sâm tính tình điềm đạm, cương nghị, lại cẩn trọng, hiếu thuận. Bắc Tề có ý mời ông về làm quan, nhưng ông từ chối vì sợ ở xa không phụng dưỡng cha mẹ được.
446 trước Công nguyên, ông cùng với Bốc Thương, Đoan Mộc Tứ và những người khác mở trường học ở Tây Hà.
436 TCN, Tăng Tử bệnh nặng nằm liệt giường.
435 TCN, ông qua đời ở tuổi 71.
Câu chuyện hiếu thảo
Có nhiều giai thoại về đạo hiếu của Tăng Sâm được lưu truyền về sau. Nhị Thập Tứ Hiếu trích dẫn chuyện “niết chỉ thống tâm”- mẹ cắn ngón tay, con đau lòng.
Chuyện kể một hôm Tăng Sâm đi lượm củi, nhà chỉ có mình mẹ ông. Bỗng đâu có nhóm người lạ đến, bà hoang mang lo lắng cắn ngón tay. Tăng Sâm lúc này ở xa mà chợt nghe nhói tim. Ông đoán mẹ đang cần mình nên tức tốc về nhà. Quả nhiên ông về kịp lúc, đỡ mẹ xử trí việc với khách. Chuyện ca ngợi Tăng Sâm việc gì cũng nghĩ đến cha mẹ, làm nên mối thần giao cách cảm kì diệu này.
Ngoài ra, còn có giai thoại ông bị mẹ phạt đòn. Thuở nhỏ Tăng Sâm bị cha mẹ đánh không bao giờ khóc. Sau đó, ông còn kính cẩn xin lỗi và đàn hát để cha mẹ biết mình không còn đau nữa. Một lần mẹ đánh, ông lại khóc nức nở. Hỏi ra thì ông kể: “mấy lần trước con đau nên biết mẹ còn khỏe, nay con không thấy đau nữa nên thương mẹ đã già yếu.”
Câu chuyện dạy con
Một lần, vợ Tăng Sâm đi chợ. Con nhỏ khóc đòi theo. Bà bèn dỗ dành: “Con ngoan ở nhà, mẹ về sẽ làm thịt con lợn cho con ăn”. Đứa bé lâu ngày không được ăn thịt, bằng lòng nghe theo.
Tăng Sâm biết chuyện liền cầm dao đi bắt lợn. Vợ ông hốt hoảng can ngăn: “Tôi chỉ nói để dụ con thôi. Một con lợn bằng lương thực 2-3 tháng cho cả nhà, sao mà giết được.”
Ông đáp: “Trẻ con không biết gì. Tất cả đều học từ người lớn. Bây giờ nói mà không làm khác gì lừa dối con. Mình lừa dối con khác gì là dạy con lừa dối. Làm người lớn như vậy, tư cách gì dạy con cái đây?”
Người vợ nghe xong cúi đầu xấu hổ. Hai vợ chồng sau đó giết lợn cho con ăn, còn mở tiệc đãi dân làng.
Phần thơ song thất lục bát của Lý Văn Phức
Ðời Chu mạt có thầy Tăng Tử,
Thờ mẹ cha thời giữ chí thành,
Bữa thường rượu thịt ngon lành,
Cho ai, vâng cứ đinh ninh chẳng rời.
Nhà bần bạc thường vui hái củi,
Quãng mù xanh thui thủi non sâu,
Mẹ ngồi tựa cửa bóng sau,
Nhân khi khách đến, trông mau con về.
Rồi trong dạ nhân khi cùng túng,
Cắn ngón tay cho động lòng con.
Trong non bỗng chốc bồn chồn,
Quặn đau khúc ruột, bước dồn gót chân.
Quỳ dưới gối ghé gần thưa hỏi,
Lắng bên tai nghe giải nguồn cơn.
Cho hay từ, hiếu tương quan,
Non Ðồng khi lở, khôn hàn tiếng chuông.
Mời quý vị xem thêm về các nhân vật khác tại tích Nhị Thập Tứ Hiếu
Danh sách tham chiếu:
- “Tăng Tử”, wikipedia, tham khảo ngày 21/06/2021, <https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C4%83ng_T%E1%BB%AD>
- “Zengzi”, wikipedia, tham khảo ngày 21/06/2021, <https://en.wikipedia.org/wiki/Zengzi>
- “曾参”, wikipedia, tham khảo ngày 21/06/2021, <https://zh.wikipedia.org/wiki/%E6%9B%BE%E5%8F%82>
- “曾子”, baidu, tham khảo ngày 21/06/2021, <https://baike.baidu.com/item/%E6%9B%BE%E5%AD%90/208375>
- 2017, “Hệ thống tượng thờ”, Văn Miếu Quốc Tử Giám, tham khảo ngày 21/06/2021,<http://vanmieu.gov.vn/vi/di-tich/he-thong-tuong-tho/>
- “Tăng Tử”, 2021, Thi Viện, tham khảo 21/06/2021, <https://www.thivien.net/L%C3%BD-V%C4%83n-Ph%E1%BB%A9c/T%C4%83ng-T%E1%BB%AD/poem-xrwupcx3kP-zdlTv2DH6OA>