“Viễn Hoạn Thiếp”, hay còn gọi là “Sảnh Biệt Thiếp” là thư pháp chữ Thảo (Thảo thư) tiêu biểu của Vương Hi Chi, có 6 hàng và 53 ký tự. Theo nhà lý luận thư pháp Bắc Tống Hoàng Bách Tư, bản thư pháp này nằm trong tập “Thập thất thiếp” – tập 29 bức thư Vương Hi Chi gửi cho người bạn lâu năm là Chu Phủ.
Lá thư được cho là viết vào năm 332, khi Vương Hi Chi đang làm tham mưu quân sự cho Dữu Lượng tại Vũ Xương. Lúc mới chuyển đến đây, Hữu Quân (tên gọi khác của Vương Hi Chi, vì từng giữ chức hữu quân tướng quân) có mối quan hệ thân thiết với Chu Phủ. Tuy nhiên, cũng trong năm đó, Chu Phủ lại được thuyên chuyển sang trấn giữ Ích Châu.
Kích thước bức thư pháp: dài 24.8 cm, rộng 21.3 cm. Đây là một bản sao đời nhà Đường được in lại bằng mực, không ký tên, mặt trước có dấu vàng của vua Tống Huy Tông Triệu Cát. Bức thư pháp hiện nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Cung điện Quốc gia Đài Bắc, Đài Loan.
Nguyên văn:
省別具, 足下小大問為慰,
多分張, 念足下懸情。
武昌諸子亦多遠宦,
足下兼懷, 並數問不?
老婦頃疾篤, 救命恆憂慮。
餘粗平安, 知足下情至。
Phiên âm:
Tỉnh biệt cụ, túc hạ tiểu đại vấn vị uý,
Đa phân trương, niệm túc hạ huyền tình.
Vũ Xương chư tử diệc đa viễn hoạn.
Túc hạ kiêm hoài tịnh số vấn bất?
Lão phụ khoảnh tật đốc, cứu mệnh hằng ưu lo.
Dư thố bình an, tri túc hạ tình chí.
Lược dịch:
Gửi bạn ở phương xa.Bạn gửi lời thăm hỏi thật lấy làm an ủi.
Mỗi người nay một phương. Mong nhớ tâm tình bạn hiền xa xôi.
Người ở Vũ Xương cũng được cử đi nhiều nơi.
Chắc bạn càng thêm mong nhớ, có thường thăm hỏi nhau không?
Vợ tôi có tuổi vừa lâm bệnh nặng, tôi vẫn lo cứu chữa.
Còn lại mọi người nói chung đều bình an. Thấu hiểu tình thâm ý trọng của bạn.
‘Vũ Xương chư tử” được lý giải với hai giả thuyết như sau:
- Ý chỉ danh tướng Đào Khản (257-332), người trấn giữ Vũ Xương đầu những năm 330.
- Ý chỉ các bạn bè đồng liêu ở Vũ Xương như Ân Hạo, Tôn Xước, Vương Hưng Chi.
Phân tích:
“Trung Quốc thư pháp toàn thư“, 2016, nhận xét thư pháp “Viễn hoạn thiếp”: chữ viết nghiêng về một bên, thế chữ (thảo) tựa như ngọn cỏ trong gió.
Nét bút trong và ngoài của “Viễn hoạn thiếp” đều và rõ ràng, phản ánh sự phong phú trong cách viết của Vương Hi Chi. Ông khéo léo phối hợp các kỹ thuật đối lập nhau khi đi bút như: xoay tròn, gấp vuông, nối, cắt, cân, và nhấc để bắt đầu và dừng bút.
Thoạt nhìn thì bài thư pháp không phức tạp. Các ký tự lệch và nghiêng xen kẽ nhau đa dạng tựa như ngẫu nhiên. Sự dịch chuyển trái phải trên dưới gây cảm giác chuyển động, khiến cho chữ viết vô cùng sinh động, tràn đầy sức sống.
Mỗi ký tự trong bài đứng độc lập với hình thái riêng, càng xem kỹ lại càng thấy sự thay đổi tinh tế và kết hợp cộng hưởng lẫn nhau. Cả bài có 6 chỗ có 2 chữ nối liền nhau là: 省别 (tỉnh biệt)、“小大” (tiểu đại) 、“子亦” (tử diệc)、“數問” (tịnh số)、“救命” (cứu mệnh)、“足下” (túc hạ). Không có chỗ nào có trên 3 chữ nối liền nhau.
Khoảng cách giữa các ký tự cùng 1 dòng khá dày đặc so với các bức còn lại trong bộ thập thất thiếp. Thế chữ được phát triển theo hướng ngang. Không có nét thẳng xuống nào là thiếu chừng mực, hay bộc lộ cảm xúc. Khoảng cách giữa các dòng khá rộng.
Dòng 1: Vương Hi Chi viết dòng này trang nghiêm, chia các ký tự theo từng nhóm riêng có nét và kiểu chữ khác nhau, là tiền đề phát triển cho phong cách toàn bài.
Khác với đặc trưng mực dày thể hiện sự trang nghiêm ở dòng đầu, nét chữ từ dòng 2 trở nên sôi nổi, vui tươi và đầy nhịp điệu. Ông khéo léo chọn từ với thanh âm bằng trắc, nhấn rải rác như trong một bài nhạc du dương: huyền tình (“悬情”), viễn hoạn (“远宦”), kiêm hoài (“兼怀”), tịnh số vấn (“并数问”), phụ khoảnh (“妇顷”), dư thố (“余粗”).
Dòng 2: sôi nổi
Dòng 3: tráng lệ
Dòng 4: trưởng thành
Dòng 5: dè dặt
Dòng 6: tràn đầy ý nghĩa
Bức thư pháp tuy không được viết với tốc độ dạt dào nhanh chóng nhưng nhịp điệu nhịp nhàng trôi chảy, không hề đứt quãng. Nét chữ cân đối, phân bố khéo léo. Đường bút có dày có thanh nhưng đều đặn. Phong thái sảng khoái mà vẫn trang nghiêm, mới mẻ mà vẫn giữ được tính truyền thống cổ điển, vừa giản dị lại vừa thú vị.
Từ đó cho thấy cổ nhân viết thảo thư không chỉ chú trọng vào sự tự do phóng túng, mà là vừa tự do không gò bó lại vừa mực thước trang trọng. Giống như dòng thác chảy, mỗi khi gió qua lại dấy lên bọt sóng nước, làm lòng người lưu luyến xao động. Sự biểu đạt của thư pháp chính là lĩnh hội được nội hàm tình cảm, phẩm cách và sự tôn kính trong người viết, kết hợp chọn lọc từ ngữ, chấm câu khiến cho lá thư thật liền mạch và tràn đầy ý nghĩa.
Toàn bức thư pháp mang thần sắc bình thản, thong thả và mãn nguyện, có thể nói mỗi chữ đều chất chứa tâm tình, mỗi dòng đều mang phong thái riêng, vô cùng đa dạng. Lời như ngâm thơ âm vần thăng trầm tự nhiên, ý tứ sâu rộng.
Tác phẩm của Vương Hi Chi có sức hút lạ kỳ không chỉ vì tính phong phú và đa dạng, mà còn vì ông đã kết hợp và đưa ra nhiều đổi mới, thể hiện phong thái thanh lịch của người nhà Tấn là hài hòa và tự nhiên, đạt đến “Thái mỹ bất ngôn” (đẹp không tả nổi bằng lời).
Thư pháp Vương Hi Chi càng về sau lại càng biến hoá nhờ tích lũy sâu sắc qua nhiều năm, cũng như chịu ảnh hưởng từ những đổi thay trong cuộc sống. Kỹ thuật mới được phát triển và thăng hoa dựa trên kỹ thuật cũ, tạo nên sự pha trộn hoà quyện giữa kim cổ. Đây là điều đặc biệt tuyệt diệu của Vương Hi Chi. Các tác phẩm của ông vì thế mà trở thành kinh điển, và phương pháp sáng tạo của ông là niềm cảm hứng dồi dào cho các thế hệ sau.
Tư liệu:
“Viễn hoạn thiếp” xuất hiện đầu tiên trong “Hữu quân thư ký”, quyển cuối của bộ 10 quyển “Pháp thư yếu lục” – bộ sưu tập sớm nhất về lý thuyết thư pháp được lưu truyền từ thời cổ đại, do Trương Ngạn Viến (815-907) biên soạn vào thời nhà Đường.
Năm 992, Tống Thái Tông Triệu Quýnh ra lệnh biên soạn và in khắc bộ sách “Thuần Hoa Các Thiếp“. Đây là bộ pháp thiếp (法帖) đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa, gồm 10 tập với 420 tác phẩm của 103 tác gia. Pháp thiếp là bản khắc trên đá/gỗ, mô phỏng thư pháp người xưa viết trên thẻ tre hoặc vải trước khi giấy được sử dụng rộng rãi. “Viễn hoạn thiếp” được chọn khắc trong tập thứ 6 cùng các tác phẩm khác của Vương Hi Chi. Sự ra đời của Thuần Hoa Các Thiếp là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển thư pháp của Trung Hoa, mở đầu cho xu hướng sưu tầm các bản khắc thư pháp. Đây cũng là cột mốc xác lập vị trí “Thánh thư” của Vương Hi Chi.
Năm 1120, “Viễn hoạn thiếp” được đưa vào bộ sách 20 tập “Xuân hoà thư phổ”, tổng hợp các bức thư pháp nổi tiếng được vị hoàng đế tài hoa Tống Huy Tông sưu tầm trong giai đoạn Xuân Hoà (bao gồm 1344 tác phẩm của 197 tác gia).
“Viễn hoạn thiếp” còn được đưa vào các bộ pháp thiếp khác như:
- Năm 1109, “Đại Quang Thiếp” do Long Thái Uyên biên soạn vào thời Đại Quan (Bắc Tống)
- Năm 1141, bộ 22 quyển khắc “Đỉnh thiếp” do Trương Hổ biên soạn thời Nam Tống
- Năm 1496, bộ 12 bia đá “Bảo Hiền Đường Thiếp” do Chu Kỳ Nguyên biên soạn vào đời Minh
- Thời vua Đạo Quang nhà Thanh, học giả Diệp Chí Sân sưu tầm được “Tống lê thiếp” của Vương Hi Chi, cho khắc 2 bản thư pháp cùng nhau. Về sau, Dương Thủ Kính khắc lại 2 bản thư pháp này vào bộ “Lân tô viên pháp thiếp”.
Danh sách tham chiếu:
- “远宦帖”, Wikipedia, tham khảo ngày 10/12/2021, <https://zh.wikipedia.org/zh-hans/远宦帖>
- “远宦帖”, Baike,baidu, tham khảo ngày 10/12/2021, <https://baike.baidu.com/item/远宦帖>
- “十七帖”, Baike, baidu, tham khảo ngày 10/12/2021, <https://baike.baidu.com/item/十七帖/9400210>
- “王羲之《远宦帖》”, 民间精品艺术赏析, 网易, tham khảo ngày 31/07/2023,<https://www.163.com/dy/article/I09LJK7C05419QDM.html>
- “远宦帖”, baike.com, tham khảo ngày 31/07/2023, <https://www.baike.com/wikiid/8427784811346153583?view_id=4zi11bylm8o000>
- “王羲之《远宦帖》释文释义”, 今日头条, tham khảo ngày 31/07/2023, <https://www.toutiao.com/article/7096750873568789000/?wid=1690774941823>
Tổng hợp và biên soạn bởi Đông Á Danh Họa.