01. NGU THUẤN (NHỊ THẬP TỨ HIẾU)

Tích Nhị Thập Tứ Hiếu là hai mươi bốn câu chuyện về các nhân vật lịch sử được Nho học xem là tấm gương đức độ về cách đối đãi với cha mẹ, đấng sinh thành và đấng nuôi dưỡng. Lấy Hiếu làm gốc để đạt chữ Nhân, có được chữ Nhân ắt đạt được chữ Phúc – là hạnh phúc, phúc đức ở đời.

Đông Á Danh Hoạ xin được tổng hợp các câu chuyện, nhân vật theo hướng lịch sử, đồng thời trích dẫn thơ của danh thần nổi tiếng triều Nguyễn, ông Lý Văn Phức (1785-1849).

Nhân vật đầu tiên trong bộ truyện là Ngu Thuấn (虞舜): hiếu cảm động trời

Tiểu Sử

Đế Thuấn (帝舜), còn gọi là Ngu Thuấn (虞舜) sống vào thời cổ đại (2292 – 2184 Trước Công Nguyên). Ông là một trong Ngũ Đế huyền thoại được Nho học đề cao là đấng minh quân, là tấm gương đạo đức tiêu biểu trong lịch sử.

Thời niên thiếu

Ông tên Diêu Trọng Hoa, mẹ là Ốc Đăng, cha là Cổ Tẩu, vốn thuộc dòng dõi Hoàng ĐếChuyên Húc. Tuy nhiên, phần do tổ chức xã hội lúc bấy giờ trọng người tài chứ không trọng tôn thất, phần do tổ tiên không kế nghiệp cha ông mà tách ra làm tiểu thương, đời ông nội Kiều Ngưu chỉ làm dân thường. 

Mẹ Trọng Hoa mất sớm. Cha lấy vợ khác nên từ nhỏ ông sống cùng ông nội. Kiều Ngưu là người “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” lại hay giúp đỡ kẻ khác. Ông thường kể cho cháu nghe những điển tích thánh hiền và những công trạng của các bậc vĩ nhân đời thái cổ. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành nên con người nhân hậu hiếu thảo của Trọng Hoa về sau.

Trọng Hoa ở cùng ông được hơn 10 năm thì Kiều Ngưu lâm bệnh qua đời. Ông phải về ở với cha và mẹ kế. Trọng Hoa thường bị mẹ kế ganh ghét và xử tệ: ăn cơm hẩm, mặc áo rách nhưng vẫn một mực giữ đúng đạo làm con.

Họ bắt ông đi cày ở Lịch Sơn và đánh cá ở đầm Lôi Trạch, nơi có nhiều thú dữ và thủy quái. Không ngờ lòng hiếu thuận của ông cảm động đến trời, khiến các loài ác thú đó lại ra giúp ông cày cấy và đánh cá.

Được vài năm thì họ đuổi ông ra khỏi nhà. Nhờ sự giúp đỡ của người làng, lại thêm tài năng đức độ, Thuấn đi đến đâu cũng được nể phục, rồi dần được tôn lên làm thủ lĩnh bộ lạc. 

Sự Nghiệp

Ông đem bộ lạc quy phục Đế Nghiêu. Đế Nghiêu gả cho hai con gái là Nga Hoàng và Nữ Anh cho ông. Đồng thời Đế còn tặng nhiều lương thực và gia súc. Bộ lạc Hữu Ngu dưới sự lãnh đạo của ông ngày càng hùng mạnh, trở thành một trong những trụ cột chính trong liên minh các bộ lạc dưới quyền quân chủ của Đế Nghiêu.

Bấy giờ mẹ kế thấy Thuấn được vinh hiển lại nổi lòng ganh ghét. Bà xui Cổ Tẩu và con trai là Tượng bày mưu hãm hại. Có lần họ bắt Trọng Hoa trèo lên nóc sửa nhà kho rồi phóng hỏa rút thang. Lần khác lại bắt ông đào giếng rồi đứng trên lấp đất đá xuống. Trọng Hoa đều có cách tránh được.

Dẫu biết chuyện nhưng ông vẫn đối xử khoan hoà như không có gì xảy ra. Hai mẹ con thấy vậy ăn năn hối cải. Sau Thuấn còn giúp Tượng có một chức quan trong triều đình.

Khi Đế Nghiêu già yếu, Thuấn được Đế Nghiêu nhường ngôi quân chủ liên minh các bộ lạc. Ông đặt thủ đô tại Bồ Phản (蒲阪), Sơn Tây hiện nay. Từ đó, ông thường được gọi là Đại Thuấn (大舜) hay Ngu Thuấn (虞舜).

Trong văn học Việt Nam, Thời kì Nghiêu, Thuấn được dùng làm điển cố miêu tả thời thái bình:

(Ngoài) đường không lượm của rơi, (trong) nhà khỏi lo đóng cửa.”

Phần thơ song thất lục bát của Lý Văn Phức


Ðức đại thánh họ Ngu, vua Thuấn,

Buổi tiềm long gặp vận hàn vi,

Tuổi xanh khuất bóng từ vi,

Cha là Cổ Tẩu người thì ương ương






Mẹ ghẻ tính lại càng khe khắt,

Em Tượng thêm rất mực điêu ngoa.

Một mình thuận cả, vừa ba,

Trên chiều cha mẹ, dưới hoà cùng em.






Trăm cay đắng, một niềm ngon ngọt,

Dẫu tử sinh không chút biến dời,

Xót tình khóc tối, kêu mai,

Xui lòng ghen ghét hoá vui dần dần.






Trời cao thẳm mấy lần cũng đến,

Vật vô tri cũng mến lọ người,

Mấy phen non lịch pha phôi,

Cỏ, chim vì nhặt, ruộng, voi vì cày.






Tiếng hiếu hữu xa bay bệ thánh,

Mệnh trung dung trao chánh nhường ngôi

Cầm thi, xiêm áo thảnh thơi,

Một nhà đầm ấm, muôn đời ngợi khen.

Mời quý vị xem thêm về các nhân vật khác tại tích Nhị Thập Tứ Hiếu

Danh sách tham chiếu:

Mạng xã hội

Bộ sưu tập tranh

Đăng ký nhận tin và ưu đãi từ
Đông Á Danh Họa
Các chuyên mục thư viện đọc
Đọc thêm

Các bài viết

Viễn Hoạn Thiếp 远宦帖 của Vương Hi Chi

“Viễn hoạn thiếp” xuất hiện đầu tiên trong “Hữu quân thư ký”, quyển cuối của bộ 10 quyển “Pháp thư yếu lục” – bộ sưu tập sớm nhất về lý thuyết thư pháp được lưu truyền từ thời cổ đại, do Trương Ngạn Viến (815-907) biên soạn vào thời nhà Đường.

Đọc tiếp »
preloader