02. LƯU HẰNG (NHỊ THẬP TỨ HIẾU)

Tích Nhị Thập Tứ Hiếu là hai mươi bốn câu chuyện về các nhân vật lịch sử được Nho học xem là tấm gương đức độ về cách đối đãi với cha mẹ, đấng sinh thành và đấng nuôi dưỡng. Lấy Hiếu làm gốc để đạt chữ Nhân, có được chữ Nhân ắt đạt được chữ Phúc – là hạnh phúc, phúc đức ở đời.

Đông Á Danh Hoạ xin được tổng hợp các câu chuyện, nhân vật theo hướng lịch sử, đồng thời trích dẫn thơ của danh thần nổi tiếng triều Nguyễn, ông Lý Văn Phức (1785-1849).

Nhân vật thứ hai là Lưu Hằng (刘恆), tức Hán Văn Đế (漢文帝): người con nếm thuốc

Tổng quan

Lưu Hằng (202 -157 Trước Công Nguyên) là vị hoàng đế thứ năm nhà Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc, trị vì từ năm 180 đến 157 trước Công Nguyên, tổng cộng 23 năm. 

Trong lịch sử Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và cả Việt Nam, Hán Văn Đế được đánh giá là một vị Hoàng đế minh quân, hình mẫu nhân từ độ lượng.

Ông chủ trương tiết kiệm chi tiêu triều đình và giảm các hình phạt, tô thuế cho dân chúng. Thời kỳ trị vì của ông và con trai ông (Hán Cảnh Đế) được gọi là Văn Cảnh chi trị (文景之治), trở thành một trong những thời kỳ thịnh vượng và đức độ hàng đầu nhà Hán và lịch sử Trung Hoa.

Tiểu Sử

Lưu Hằng sinh năm 202 trước Công Nguyên, con trai của Hán Cao Tổ Lưu Bang, người lập nên triều đại nhà Hán. Mẹ ông là Bạc phu nhân. Năm ông ra đời cũng là năm Lưu Bang diệt được Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ và lên ngôi Hoàng Đế. 

Mẹ ông là người khiêm nhường. Từ sớm bà đã cùng ông xin ra trấn giữ vùng biên cương phía Bắc. Vì thế họ tránh được ai tương dưới sự cai trị chuyên chính của Lã Hậu sau khi Hán Cao Tổ băng hà. 

Khi Lã Hậu mất, tôn thất họ Lưu chỉ còn ông và Hoài Nam Vương Lưu Trường. Đại thần Trần BìnhChu Bột thấy ông nhân từ, trung hậu, có hiếu, mẹ lại hiền đức nên phò tá ông lên làm vua. Lúc đó ông được 23 tuổi.  

Đối đãi với Nam Việt 

Đương thời, Triệu Đà sau khi đánh chiếm Âu Lạc của An Dương Vương, lập nước Nam Việt, đã bỏ thuần phục nhà Hán. Hán Văn Đế chủ trương không dùng vũ lực mà tìm cách thuyết phục Triệu Vũ Vương. 

Một mặt, ông cho tu sửa mồ mả tổ tiên Triệu Vũ Vương ở Chân Định, làm lễ tế trọng thể, lại phong tước cho họ hàng anh em Triệu Đà ở đất Hán. Mặt khác ông lại cho Lục Giả, người từng đi sứ Nam Việt thời Hán Cao Tổ, sang thuyết phục. Triệu Đà đọc thư Hán Văn Đế, rồi nghe lời Lục Giả phân giải. Lòng cảm động vô cùng, quyết định từ bỏ đế hiệu, xưng thần cho đến cuối đời, thọ hơn trăm tuổi.

Trong Nhị Thập Tứ Hiếu 

Chuyện hiếu thảo của Hán Văn Đế kể rằng ông từ nhỏ sống với mẹ, rất thương và có hiếu với Bạc Cơ – Bạc Phu Nhân. Đến khi lên làm vua rồi, dẫu nhiều việc triều chính vẫn giữ nếp thường xuyên thăm hỏi mẹ. 

Một lần mẹ ông bệnh nặng, đau yếu suốt ba năm liền. Sau mỗi buổi chầu, dẫu còn đang mặc đại phục, ông vẫn đến ngay chỗ mẹ để đứng hầu, lo lắng đến không ăn không ngủ. Tối ông thức canh mẹ ngủ. Ngày ông chờ cơm dâng thuốc uống, đích thân nếm thử trước rồi mới đưa mẹ dùng.

Phần thơ song thất lục bát của Lý Văn Phức

Kìa Văn Ðế vua hiền Hán đại

Vâng ấn phong ngoài cõi phiên vương

Quên mình chức cả, quyền sang,

Phụng thờ Bạc Hậu lễ thường chẳng sai.






Ðến khi nối ngôi trời trị nước,

Vẫn lòng này săn sóc như xưa.

Mẹ khi ngại gió, kinh mưa,

Ba năm hầu hạ, thường như mọi ngày.






Mắt chong bóng dám sai giấc ngủ,

Áo luôn mình dám sổ đai lưng.

Thuốc thang mắt xét, tay nâng,

Có tường trong miệng, mới dâng dưới màn.






Tiếng nhân hiếu đồn vang thiên hạ,

Thói thuận lương hoá cả lê nguyên.

Hai mươi năm lẻ kiền khôn,

Ðã sau Tam Ðại, hãy còn Thành, Khang.






Ấy hay vị đế vương đời trước,

Chữ hiếu dành đá tạc, vàng in,

Còn ra sĩ, thứ, đấng hiền

Ðếm xem mấy kẻ tiếng truyền đến nay.

Mời quý vị xem thêm về các nhân vật khác tại tích Nhị Thập Tứ Hiếu

Danh sách tham chiếu:

Mạng xã hội

Bộ sưu tập tranh

Đăng ký nhận tin và ưu đãi từ
Đông Á Danh Họa
Các chuyên mục thư viện đọc
Đọc thêm

Các bài viết

Viễn Hoạn Thiếp 远宦帖 của Vương Hi Chi

“Viễn hoạn thiếp” xuất hiện đầu tiên trong “Hữu quân thư ký”, quyển cuối của bộ 10 quyển “Pháp thư yếu lục” – bộ sưu tập sớm nhất về lý thuyết thư pháp được lưu truyền từ thời cổ đại, do Trương Ngạn Viến (815-907) biên soạn vào thời nhà Đường.

Đọc tiếp »
preloader