Trúc là bậc quân tử phong nhã kiên định. Vẽ trúc phải vẽ thân, cành, đốt và lá. Thân trúc thẳng, tròn khoẻ nên khi vẽ nét bút phải đều và dứt khoát. Thân trúc có thể nghiêng về nhiều hướng nhưng bố cục phải tự nhiên.
Cành trúc là phụ thêm điểm xuyết cho thân trúc nên nét bút thường đi nhanh và khéo léo.
Linh hồn của Trúc chính là lá Trúc. Lá Trúc vẽ cần uyển chuyển sống động như đang đong đưa trong gió, uốn mình trong mưa. Muốn vẽ lá trúc phải dùng ba, bốn hay năm nét bút để tạo thành một cụm, ứng với hình dáng của cành trúc. Cổ nhân thường vẽ cả bóng lá dưới nắng, không dùng luật gần xa nhưng vẫn tả thực cây Trúc thật vi diệu. Để vẽ Trúc, trong lòng nên tĩnh và sáng suốt, nét bút rõ ràng, dứt khoát và tự nhiên.
Cổ nhân hoạ trúc
Cây trúc bắt đầu xuất hiện trong tranh vẽ có lẽ cũng cùng thời với hoa lan, tức đầu đời nhà Đường. Những danh nhân yêu thích vẽ trúc có thể kể là Hoàng đế Đường Huyền Tông (唐玄宗), danh hoạ Vương Duy (王维) và hoạ thánh Ngô Đạo Tử (吴道子). Tương truyền người sáng lập ra cách vẽ trúc là một người phụ nữ thời Ngũ Đại Thập Quốc, bà họ Lý nên được gọi là Lý phu nhân (không phải là phi tần nổi tiếng “Lý phu nhân” của Hán Vũ Đế). Lý phu nhân này đêm về thuờng ngồi ngắm bóng trúc in trên nền trắng cửa sổ (vốn được căng từ giấy) từ đó dùng mực đen vẽ trúc lên giấy trắng, thành tiền lệ cho thư hoạ trúc về sau.
Đến thời nhà Tống, Tô Thức (tức Tô Đông Pha), đã lại phát triển cách vẽ trúc mới, không vẽ hai nét đậm đều như các đời trước mà cành lá được vẽ phối hợp giữa mực đậm và nhạt để phân biệt mặt trước và mặt sau của lá trúc. Điều đó cho thấy sự quan sát tinh tế của ông không chỉ khi trúc tĩnh mà còn khi chuyển động trong ánh sáng. Chắc ai cũng một lần nghe cái tên thịt kho (Tô) Đông Pha, một món ăn do ông sáng chế vẫn rất được ưa chuộng ngày nay. Ông là người sành ăn nổi tiếng là vậy nhưng lại từng so sánh: “thà thiếu rượu thịt chứ không thể thiếu trúc” – mới hiểu được sự quan trọng của cây trúc trong đời sống tinh thần Tô Thức sâu đậm đến nhường nào.
Nguyên Minh Thanh là thời kỳ rực rỡ nhất của phong trào vẽ trúc, các họa gia khi vẽ trúc dù là tranh sơn thuỷ hay tranh hoa điểu đều diễn tả cây trúc không đơn thuần chỉ là cây trúc, mà chủ ý khắc hoạ hình tượng trúc với cái đẹp và ý nghĩa quân tử được gầy dựng qua bao nhiêu năm. Kể về tranh Trúc thì không thể không nhắc đến tranh của Trịnh Bản Kiều.
Trịnh Nhiếp, tự Bản Kiều (郑思肖) khi bàn về việc vẽ trúc có chia sẻ như sau: “Quán sông thu xanh, sáng ngắm trúc giữa khói sương và nắng, nghe sức sống tươi mát chảy tràn qua cành lá, chợt lòng đầy ý hoạ. Mà thực trúc trong lòng đó không phải là trúc trước mắt, khi hạ bút mực trên giấy thành trúc trong tay, cũng không phải là trúc ở trong lòng.” Tóm lại từ ý định muốn hoạ trúc đến khi hoạ xong là một quá trình: khởi nguồn từ hình ảnh tự nhiên của cây trúc trước mắt, làm gợi nên cảm hứng và cảm xúc dồi dào về cây trúc trong lòng, rồi qua bút mực hay chính kỹ thuật sáng tạo của người cầm bút mới tạo thành cây trúc ở trong tay – tức là bức hoạ. Sự biến chuyển này chính là điều thú vị khi vẽ tranh. Để hiểu thêm về cái thú vẽ trúc của Trịnh Nhiếp, mời bạn đọc tham khảo link bài thơ Đề Mặc Trúc Đồ của ông. Đương thời, tranh trúc của Trịnh Bản Kiều đã được các học giả tán dương hết mực, trở thành bảo bối tranh giành giữa các nhà sưu tầm. Hiện nay tranh của ông rất nổi tiếng và được lưu giữ tại nhiều nơi trên thế giới.
Quay về mục lục chính và tài liệu tham khảo: LINK
Bài viết do Đông Á Danh Họa soạn thảo và thuộc quyền sở hữu trí tuệ của Đông Á Danh Họa theo luật hiện hành. Mọi sao chép hay sử dụng lại thông tin vui lòng thông báo cho chúng tôi cũng như trích dẫn rõ nguồn gốc tư liệu từ trang web Đông Á Danh Họa.
Xin cảm ơn quý độc giả. Đông Á Danh Họa @ Copyright 2020