Ông xuất thân trong một gia đình quý tộc ở quận Vũ Tiến, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Gia đình ông nhiều đời làm quan cho triều đình nhà Minh. Cụ tổ Uẩn Thiệu Phương là tiến sĩ triều vua Gia Tĩnh. Ông nội là giám sát ở trường Quốc Tử Giám. Cha ông làm quan 6 năm triều vua Sùng Trinh nhưng vì chán ghét quan trường tha hoá, đã sớm từ quan dắt con quy ẩn. Gia thế hiển hách, từ nhỏ Thọ Bình được chăm chút dạy dỗ. Ông theo chú, Uẩn Hưởng, là một nhà thư hoạ nổi tiếng bấy giờ học vẽ tranh làm thơ. Thọ Bình thông minh sáng dạ, 8 tuổi đã có thể làm thơ vịnh hoa sen.
Tuy nhiên, con đường học vấn của ông sớm dở dang do thời cuộc binh đao. Năm 1644, nhà Minh vong quốc, sau nhiều biến cố, người Mãn Châu lập nên triều đại mới ở Trung Quốc: nhà Thanh. Loạn lạc, Thọ Bình theo gia đình trốn chạy nhiều nơi, sau lại cùng cha và anh tham gia phong trào phản Thanh. Anh trai ông chết trong chiến trận, ông và cha thất lạc. Thọ Bình khi ấy mới 15 tuổi, gia đình phân ly, bản thân bị bắt làm tù binh.
May mắn tình cờ, nhờ tài vẽ tranh làm thơ và cốt cách tao nhã, ông được vợ của Tổng đốc Mân Triết Trần Cẩm quý mến. Hai vợ chồng tổng đốc vốn hiếm muộn không con nên bà đã nhận Thọ Bình cùng 2 người nữa làm con nuôi. Ông sống cùng gia đình họ Trần được 4 năm thì Trần Cẩm bị sát hại, nghĩa quân Trịnh Thành Công vây đuổi. Ông cùng Trần phu nhân và gia đình Tổng đốc vội trốn lên chùa Linh Ẩn Tự.
Tại Linh Ẩn Tự, ông bất ngờ nhận ra cha mình giữa những thầy sư trong chùa. Sợ đánh động binh lính theo bảo vệ họ Trần, ông nhờ chủ trì khuyên Trần Phu nhân cho ông được ở lại quy y, vì số mạng không tốt. Trần phu nhân ý muốn Thọ Bình theo về nhận bổng lộc của Trần gia nhưng ông lại thiết tha ở lại, bà đành gạt nước mắt chia tay ông. Sau khi mọi sự yên ổn, Thọ Bình dắt cha về quê nương náu.
Khi trở về quê trong nghèo khó, Thọ Bình vẽ tranh kiếm sống qua ngày, chăm sóc cha già và làm nghề dạy học. Ban đầu, ông chuyên vẽ tranh sơn thuỷ để bán kiếm sống. Sau ông ngao du và biết đến tranh của Vương Huy và Tra Sĩ Phiêu. Lần đầu xem tranh sơn thuỷ của Vương Huy, Thọ Bình đã xúc động lặng người và thở dài nói: kiến thức và kỹ thuật của Vương Huy đã đạt đến trình độ tuyệt đỉnh thiên hạ, Thọ Bình có học cả đời cũng chỉ xếp hàng thứ 2. Thế là Thọ Bình chuyển sang vẽ tranh hoa điểu trùng thảo. Vương Huy, một trong Tứ Vương, vốn trạc tuổi Thọ Bình nên sau trở thành người bạn tâm giao thân thiết của ông. Hai người hay cùng du ngoạn, vẽ tranh đề thơ với nhau.
Khi chuyển qua vẽ tranh hoa điểu, Thọ Bình theo đuổi phương cách “một cốt đồ” (tức tranh không phác thảo mà cũng không dùng mực đen để viền nét) của danh hoạ Bắc Tống là Từ Sùng Tự và Hoàng Thuyên, rồi kết hợp cùng ngòi bút gia truyền họ Uẩn tạo nên kỹ thuật “một cốt hoa” (hoa không xương) riêng cho mình. Tranh hoa của Thọ Bình chẳng những tươi tắn, thanh tao, nhiều tầng lớp, hiển thị hình hoa sắc hoa mà còn mang lại cảm giác về kết cấu, ánh sáng và cả chuyển động, làm cho “hoạt sắc sinh hương” tức sinh động như có sức sống, toả cả hương thơm.
Ông trở thành hoạ gia vẽ hoa điểu có sức ảnh hưởng nhất Thanh triều, là ông tổ của Thường Châu Hoạ Phái. Đương thời, tranh của Thọ Bình được rất nhiều học giả và giới quý tộc ưa chuộng, tạo một làn gió mới cho dòng tranh hoa điểu vốn đang suy giảm do sự thịnh hành của tranh sơn thuỷ. Kỹ thuật “hoa không xương” này sau trở thành bí quyết gia truyền của họ Uẩn và được cháu gái ông là Uẩn Băng duy trì phát triển. Tương truyền vua Càn Long một lần xem qua tranh của bà đã nức nở khen, sáng tác ngay một bài thơ để ngợi ca. Tiếc thay ngày nay kỹ thuật này hầu như đã thất truyền.
Thư pháp của Thọ Bình đậm màu cổ phong, chịu ảnh hưởng sâu sắc và hấp thụ được ưu thế của những thư pháp gia kinh điển như Vương Hi Chi, Vương Hiến Chi, Trữ Toại Lương và Hoàng Đình Kiên. Tuy không theo xu hướng chung thời bấy giờ, nhưng nhờ kết hợp tài tình cùng tranh và thơ phú nên thư pháp và sách tranh của ông vang danh và rất được ưa chuộng.
Ông là một người tự trọng và xem thường tiền tài danh vọng. Ông sẵn sàng vẽ tranh giá một xu cho người có lòng, hỏi xin lễ độ, nhưng lại kiên quyết không vẽ dù một cái lá cho những ai cậy tiền của mà cao ngạo hách dịch. Mỗi khi về quê, ông đều mang nhiều ngân lượng để phân phát và giúp đỡ mọi người dù cả đời nghèo khó. Những ngày cuối đời, ông sống lẻ loi do hai con trai lớn đều bất hạnh mất sớm. Ông cố gắng vẽ để trang trải tiền hậu sự cho bản thân nhưng không đủ. Khi Thọ Bình qua đời ở tuổi 58, con trai út của ông chỉ mới lên 5. Vương Huy là người đã đứng ra lo hậu sự cho ông.
Cả đời Uẩn Thọ Bình mang mối hận vong quốc, dù Khang Hy có ban nhiều chính sách đãi ngộ nhân tài người Hán, ông cũng kiên quyết không ra ứng thí mà vẫn quy ẩn. Tất cả các tác phẩm của ông đều không ký niên hiệu nhà Thanh mà để theo lịch Thiên can địa chi.
Ông cùng Ngô Lịch và Tứ Vương (Vương Thì Mẫn, Vương Giám, Vương Nguyên Kỳ và Vương Huy) được xem là 6 vị hoạ gia tiêu biểu đầu Thanh triều, gọi là Thanh Sơ Lục (Thái) Gia. Tuy nhiên chỉ riêng Thọ Bình là người giỏi cả vẽ tranh sơn thuỷ và tranh hoa điểu.
Nghệ thuật trong tranh của Uẩn Thọ Bình:
Tuổi trẻ thăng trầm, thời cuộc bất đắc chí, Thọ Bình cả đời quy ẩn, đem hết tâm sức dồn vào việc rèn luyện và phát triển thư hoạ. Ông không bị ảnh hưởng bởi bên ngoài mà xuất phát từ đam mê mà học hỏi, thử nghiệm và sáng tạo.
Tranh của Thọ Bình vừa giống lại vừa khác với chuẩn mực đương thời. Theo ông, vẽ “giống” hay ”khác” thì đều giống nhau: đó là dùng tranh để diễn tả ý của người vẽ. Nên đỉnh cao của tranh phải diễn cảm được ý của người vẽ, và làm rung động được người xem.
Ông chủ trương người nghệ sĩ hãy tạo ra tự nhiên, tức không chỉ vẽ giống tự nhiên mà phải vẽ làm sao cho chủ thể trong tranh có sức sống có linh hồn và có sự khác biệt như mỗi một tạo vật được sinh ra trong tự nhiên vậy.
Ông cũng đề ra phương pháp học theo tiền nhân là phải tu dưỡng để lãnh hội được cái hay rồi theo khả năng, sở thích và ý muốn của riêng người nghệ sĩ mà ứng dụng, phối hợp để phát triển thành kỹ thuật cùng phong cách cá nhân.
“Một hoa cốt” là kỹ thuật vẽ hoa không xương: không phác thảo trước và không viền đen là kỹ thuật do ông phát triển, phối hợp cả vẽ thực của công bút và vẽ thần của ý bút. Tất cả tranh đậm nhạt đường nét đều dùng màu mà thể hiện, cơ bản có 2 bước: nhuộm loang màu để vẽ khối (ý) ví dụ như từng cánh hoa, và tô nét (công).
Để màu sắc tươi mới, sinh động và nhiều tầng lớp, cách pha bột màu và nước phải chính xác, tỉ mỉ: liều lượng, đặc hay loãng, ấn bút sâu hay cạn. Tất cả đều phải dựa vào kỹ thuật và kinh nghiệm Thọ Bình xây dựng, vì màu nhiều sẽ loè loẹt mất tự nhiên mà nước nhiều thì màu sẽ bị mờ đục. Thêm nữa, sự phối hợp các màu sắc khác nhau để tranh hài hoà tao nhã cũng là sở trường của ông. Thọ Bình không ngại sử dụng những màu mạnh như đỏ và tím, vốn bị các hoạ gia đương thời xem là quá đậm mà vẫn giữ được sự trang trọng thanh khiết. Mỗi một đoá hoa được vẽ chú trọng từ bố cục đến chi tiết, màu sắc biến chuyển chẳng những hiển thị hình hoa mà còn mang lại cảm giác về kết cấu, ánh sáng và cả chuyển động, làm cho “hoạt sắc thiên hương” tức sinh động như có sức sống, toả cả hương thơm. Ông chọn các loài cây hoa cỏ gần gũi xung quanh làm đề tài rồi tạo ra thế giới hoa riêng mà mỗi loài là một “âu hương” thơm tho bát ngát.
Tài liệu tham khảo:
https://baike.baidu.com/item/%E6%81%BD%E5%8D%97%E7%94%B0
https://baike.baidu.com/item/%E6%B2%A1%E9%AA%A8%E8%8A%B1%E5%8D%89/10036303
https://kenhnghethuat.com/tinh-tuy-truyen-thong-nhung-dieu-dac-biet-cua-tranh-khong-cot-phan-2/
http://www.zhshw.com/lidai/qing/huishouping/