TRANH HÀNG TRỐNG CHỮ PHÚC

Tranh chữ Phúc in trên giấy Ilford Washi Torinoko, lồng khung nhôm Ilford màu bạc (Photo by Đông Á Danh Họa)

 

Mẫu tranh “chữ Phúc” do Đông Á Danh Hoạ đặc biệt nhờ nghệ nhân tranh Hàng Trống duy nhất hiện nay, bác  Lê Đình Nghiên, phục dựng lại từ mẫu tranh cũ đã thất truyền. Chúng tôi tự thực hiện số hoá với chất lượng cao để có thể in nhiều kích thước khác nhau. Quý vị có thể đặt cả tranh in lẫn tranh vẽ từ chúng tôi. 

Sau bao nhiêu năm tháng thăng trầm đổi thay, chút màu sắc đường nét xưa cũ được hồi sinh và có thể phổ biến rộng rãi là điều vô cùng đáng mừng, quý giá.

Chúng tôi tin rằng: qua đó mối dây liên kết kim cổ được bện chặt hơn và mạnh mẽ hơn. Người đời nay hiểu biết thêm về tâm tư người đời trước, về những điều đã xây dựng nên niềm tin, văn hoá và căn tính người Việt. Hơn thế nữa, đó là những bài học ý nghĩa, những kinh nghiệm vốn sống chắt lọc từ ngàn năm. Nay ta được may mắn kế thừa, giữ gìn và truyền lại cho thế hệ mai sau.

Nghệ Thuật Tranh 

Tranh Hàng Trống nét vẽ mộc mạc dung dị. Màu sắc tươi mới đậm đà vô cùng đặc trưng. Chất liệu gốc lấy từ bản địa: giấy, mực, keo hồ và màu thiên nhiên, mang cá tính riêng độc lập. 

Đặc biệt, lối kết hợp màu và bố cục làm cho tranh đạt được sự cân bằng độc đáo. Tất cả các màu đều là “màu cơ bản” rực rỡ nhưng tổng thể tranh lại hài hoà. Không những không bị loè loẹt, mà còn làm bật lên tính mạnh mẽ sâu đậm lạ thường.

Tính chất tranh vì thế tiêu biểu cho văn hoá lâu đời của đất Hà thành, người dân xứ An Nam. Phong cách tách biệt với các dòng tranh khác trong và ngoài nước, nhất là các tranh có cùng chủ đề được vẽ từ các nền văn hoá khác. 

Nội Dung Tranh

Tranh vẽ đề tài bao đời nay con người vẫn luôn trân trọng và mong ước: chữ “Hiếu” và chữ “Phúc”.

“Bách thiện hiếu vi tiên” – trong trăm cái thiện, HIẾU đứng làm đầu. Sách Luận ngữ của Khổng Tử có phân tích như sau: “Người quân tử dốc sức tu dưỡng cái gốc. Cái gốc đã vững, thì nguyên tắc đạo đức mới hình thành. Hiếu thuận cha mẹ, tôn kính anh chị là cái gốc của đạo Nhân”. (Nam Phương, 2021)

 

Tranh chữ Phúc lấy chữ hiếu làm gốc mà vẽ lại bộ truyện Nhị Thập Tứ Hiếu. Đây là hai mươi bốn câu chuyện về những nhân vật lịch sử được Nho học xem là tấm gương đức độ về cách đối đãi cha mẹ, đấng sinh thành và đấng nuôi dưỡng. Lấy HIẾU làm gốc để đạt chữ NHÂN, có được chữ NHÂN ắt đạt được chữ PHÚC – là hạnh phúc, phúc đức ở đời.

Đông Á Danh Hoạ xin được chia tranh chữ Phúc thành từng câu chuyện và nhân vật khác nhau để giới thiệu đến quý vị ở các bài viết bên dưới.

Đôi nét về nghề vẽ tranh Hàng Trống và Nghệ nhân Lê Đình Nghiên

Cũng như nỗi vất vả của một dòng tranh, nỗi vất vả của con người trong việc kế thừa  nghề gia truyền và tìm kế sinh nhai trong giai đoạn nhiều biến động đổi thay xã hội là điều không kể xiết. 

Đó là một cuộc vật lộn chậm chạp mà thương tâm. Từ con phố sầm uất Hàng Trống nơi nhà nhà, người người vẽ tranh bán phục vụ đời sống tinh thần người Việt xưa; nay chỉ còn lại nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Bác dù đã ngoài 70 vẫn mỗi ngày cặm cụi trải tranh ra giường, cúi người ngồi tô tô vẽ vẽ.

Dòng tranh không còn được thịnh hành, người kế thừa cũng thưa thớt, kỹ thuật lâu đời mai một. Để vững vàng kiên tâm qua năm tháng, khi từng người từng người rời bỏ con đường chung, đâu phải chuyện dễ dàng. Kẻ yêu nghề không vì kim tiền vốn khó tìm. Người sống cùng nghề, từng kênh qua thuở huy hoàng rồi rơi vào lạnh nhạt thờ ơ mà vẫn gắn bó lại càng hiếm. 

Hơn 50 năm bác Nghiên duy trì vẽ tranh cho những ai còn tấm lòng ưu ái luyến thương đến dòng tranh này. Không có kỹ thuật nào bằng cho được kỹ thuật được tôi luyện, ăn sâu cùng với ý chí và con tim thiết tha đến vậy.

Đằng sau đường nét giản đơn trong tranh bác, là cả một khí chất thuần khiết cao dày, đúc kết từ tinh hoa kế thừa cha ông và kinh nghiệm tâm huyết cả đời. Có thế mới vẽ lên được màu tranh Hàng Trống điển hình cho văn hoá Việt, thể hiện chân nguyên con người Việt: bình dị mà mạnh mẽ, giàu lòng nhân ái.

Danh sách tham chiếu

  • Nam Phương, 2021, “Vì sao cổ nhân dạy: Trăm nết thiện chữ Hiếu đứng đầu?”, tham khảo 21/05/2021,  <https://dkn.news/van-hoa/co-nhan-day-tram-net-thien-chu-hieu-dung-dau.html>

Mạng xã hội

Bộ sưu tập tranh

Đăng ký nhận tin và ưu đãi từ
Đông Á Danh Họa
Các chuyên mục thư viện đọc
Đọc thêm

Các bài viết

Viễn Hoạn Thiếp 远宦帖 của Vương Hi Chi

“Viễn hoạn thiếp” xuất hiện đầu tiên trong “Hữu quân thư ký”, quyển cuối của bộ 10 quyển “Pháp thư yếu lục” – bộ sưu tập sớm nhất về lý thuyết thư pháp được lưu truyền từ thời cổ đại, do Trương Ngạn Viến (815-907) biên soạn vào thời nhà Đường.

Đọc tiếp »
preloader